Cả nước đã có 40 địa phương miễn, giảm lệ phí dùng dịch vụ công trực tuyến

Tính đến nay, đã có 40/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Mục đích là khuyến khích người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình có chất lượng và được người dân dùng nhiều đã được Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Trong báo cáo chuyển đổi số quốc gia tháng 10/2023, Bộ TT&TT đánh giá, thời gian vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Thống kê đến hết tháng 9/2023, 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định 42 năm 2022 của của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Đến hết tháng 10, tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công toàn trình đã đạt 100%.

Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cũng đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin, giấy tờ một lần.

Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa đến nay vẫn còn thấp, cụ thể là các bộ, ngành đạt tỷ lệ 24,48% và các địa phương đạt tỷ lệ 38,94%.

w-dich-vu-cong-ha-noi-1-1.jpg

Hà Nội là một trong những địa phương đã có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí cho người dân khi sử dụng dịch vụ công theo phương thức trực tuyến. (Ảnh minh họa: Minh Tuấn)

Đáng chú ý, để thu hút người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 40 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giữa tháng 10/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 63 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí và lệ phí, nhằm mục đích khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025 với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%.

Đối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến nay Cổng đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị  phục vụ xác thực, định danh, đăng nhập một lần và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Trong đó, đã công khai, đồng bộ thông tin 6.413 thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp 4.515 dịch vụ công trực tuyến, chiếm hơn 70%; phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản.

Thống kê cho thấy, từ ngày 20/9/2023 đến ngày 20/10/2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tiếp nhận 539.000 tài khoản đăng ký mới; hơn 8,4 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái. Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tiếp nhận, xử lý hơn 1,6 triệu lượt thực hiện các dịch vụ công tiện ích; hơn 2,3 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện; hơn 1,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với tổng số tiền là 571 tỷ đồng.

Đặc biệt, 2 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa hộ khẩu thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” được đưa vào triển khai đã giúp cắt giảm hồ sơ, giấy tờ, thời gian thực hiện, chi phí đi lại của người dân.

Cụ thể, thời gian thực hiện thủ tục giảm từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc đối với nhóm dịch vụ công liên thông về khai sinh và từ 25 ngày xuống còn 10 ngày làm việc với nhóm dịch vụ công liên thông về khai tử.

Tính đến nay, phần mềm dịch vụ công liên thông đã tiếp nhận và xử lý thành công đối với 240.720 hồ sơ liên thông khai sinh và 20.023 hồ sơ liên thông khai tử, trong đó, một số địa phương có lượng hồ sơ phát sinh lớn như Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Bình Định, Hải Dương…

Là cơ quan được giao điều phối, dẫn dắt tiến trình Chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, thời gian qua, Bộ TT&TT đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.

Tháng 8/2023, Bộ TT&TT đã tiếp tục có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay 20 nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Trong tháng 10, tháng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tổ chức đánh giá và tôn vinh các dịch vụ công trực tuyến phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp trên toàn quốc.

Kết quả, đã chọn tôn vinh 4 dịch vụ công trực tuyến của 3 bộ Công an, GD&ĐT, Tài chính. Điểm chung của 4 dịch vụ này là đều thực hiện toàn trình từ đầu đến cuối trên môi trường mạng, đồng thời cung cấp dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp nhờ kết nối chia sẻ dữ liệu.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 27 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Theo Vietnamnet