Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động công đoàn

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, thay đổi cách vận hành, ứng dụng trợ lý ảo, nền tảng số nhiều hơn sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn các cấp.

Sáng 16/10, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam lần thứ 16, nhiệm kỳ 2023-2028. Đại hội có sự tham gia của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ TT&TT và 291 đại biểu là cán bộ chuyên môn, công đoàn, đoàn viên ưu tú, đại diện cho hơn 85.000 đoàn viên, người lao động.  

Chuyển đổi số quốc gia và cơ hội của Việt Nam

Tại Đại hội, chia sẻ với các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, ngành TT&TT đang bước vào cuộc đổi mới lần 2, với nội hàm của viễn thông giờ đây đã thay đổi. Hạ tầng viễn thông gồm hạ tầng thông tin liên lạc nay đã trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. 

Hạ tầng số ngoài viễn thông còn có điện toán đám mây, Internet vạn vật, cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số là hạ tầng của chuyển đổi số, để số hóa thế giới thực và hình thành một không gian mới, không gian số hay còn gọi là không gian mạng. 

W-cong-doan-chuyen-doi-so-1-1.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Đại hội Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam lần thứ 16. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đổi mới lần 1 chủ yếu dựa trên công nghệ nước ngoài, đổi mới lần 2 phải chủ yếu dựa trên công nghệ Việt Nam. Đổi mới lần 1 tập trung trong nước, đổi mới lần 2 còn là đi ra nước ngoài để chinh phục thị trường quốc tế. 

Đổi mới lần 1 là phổ cập viễn thông và Internet. Đổi mới lần 2 còn là phổ cập công nghệ số đến từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình, từng người dân. Thay vì phổ cập dịch vụ viễn thông thì phổ cập công cụ lao động và biến công cụ lao động thành dịch vụ. 

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng thông minh hóa dựa chủ yếu trên trí tuệ nhân tạo, thuật toán, vốn là điểm mạnh của người Việt Nam. Các công việc chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu, bước vào giai đoạn ứng dụng. Đây là cơ hội cho Việt Nam. 

“Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đất nước dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, thông minh hóa các hoạt động kinh tế, xã hội, đổi mới quản trị của các tổ chức, tất cả đều hội tụ trong chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số quốc gia đã trở thành công cuộc chính của tất cả, của đất nước chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Trợ lý ảo, nền tảng số sẽ thay đổi căn bản hoạt động công đoàn

Người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam cần phải đổi mới, phải chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để thay đổi căn bản các hoạt động của mình. 

Việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải thực hiện trên môi trường số, trên các nền tảng số. Công đoàn cần có một trợ lý ảo để giúp các đoàn viên hỏi về các chế độ chính sách ngay trên chiếc điện thoại di động của mình. 

W-cong-doan-chuyen-doi-so-2-1.jpg

Công nghệ nhận diện khuôn mặt được ứng dụng trong việc "check in" đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Công đoàn cũng cần tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp công cụ làm việc, công cụ hỗ trợ, giám sát hoạt động của các công đoàn cơ sở cấp dưới thông qua nền tảng số dùng chung. Do vậy, việc chính của công đoàn ngành là xây dựng các nền tảng số nhằm trang bị tri thức, công cụ cho đội ngũ của mình. 

Công đoàn ngành TT&TT cũng cần phải có các công cụ trí tuệ nhân tạo để phân tích số lớn, từ đấy bảo vệ được hàng trăm nghìn đoàn viên đang lao động tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp. 

Bộ TT&TT đang phát triển một trợ lý ảo hỗ trợ ngành, hỗ trợ lĩnh vực lập pháp. Trợ lý này giúp phát hiện sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, giữa luật với nghị định và thông tư. Công đoàn ngành TT&TT có thể sử dụng trợ lý ảo để hỗ trợ xây dựng, phát hiện và góp ý các vấn đề của người lao động trong hệ thống pháp luật. 

W-cong-doan-chuyen-doi-so-4-1.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Đại hội Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Công đoàn ngành cũng có thể sử dụng một công cụ phân tích số lớn do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) phát triển để lắng nghe phản ánh của người lao động, từ đó giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách với người lao động của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công đoàn ngành TT&TT cần nghiên cứu, phát triển một nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người lao động trong ngành, để họ có thể thích ứng nhanh với sự thay đổi, biết sử dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để làm việc tốt hơn.

Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ TT&TT tin tưởng, với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp Đại hội lần thứ 16 đề ra, đội ngũ đoàn viên công đoàn, người lao động ngành TT&TT sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển của phong trào công nhân, viên chức lao động và hoạt động công đoàn cả nước, góp phần vào sự phát triển ngày càng mạnh của ngành và đất nước trong giai đoạn mới.

Người lao động ngành TT&TT vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội trình bày báo cáo, ông Trần Vũ Hà - Phó Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam cho hay, theo số liệu của Công đoàn TT&TT Việt Nam, tính đến tháng 6/2023, Công đoàn TT&TT quản lý trực tiếp 7 công đoàn cấp trên cơ sở và 23 công đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số hơn 85.000 đoàn viên, người lao động, trong đó đoàn viên là hơn 82.000 người, tăng 2.400 đoàn viên so với đầu nhiệm kỳ.

Theo ông Trần Vũ Hà, đoàn viên ngành TT&TT Việt Nam đa phần có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo cơ bản, tuy nhiên đời sống đoàn viên, người lao động nói chung vẫn còn nhiều khó khăn. Điều này bộc lộ rõ nhất trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19, khi nguồn thu tài chính của đơn vị, thu nhập của đoàn viên, người lao động bị giảm nhiều, một số phúc lợi bị cắt giảm, thậm chí có nơi còn nợ lương người lao động. 

W-cong-doan-chuyen-doi-so-5-1.jpg

Lãnh đạo Bộ TT&TT chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: Tuấn Minh

Chia sẻ về hoạt động nhiệm kỳ qua, ông Chu Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam cho biết, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, tác động của những biến động trên toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp và đẩy mạnh đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động. 

Song đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên, người lao động ngành TT&TT đã quyết tâm vượt khó khăn, hăng say lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kế hoạch sản xuất kinh doanh của ngành TT&TT đã đề ra. 

Công đoàn TT&TT Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội 15 đã đề ra, đạt nhiều kết quả quan trọng trong hoạt động công đoàn, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động. 

“Công đoàn cũng đồng hành cùng với công tác chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kế hoạch sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại các doanh nghiệp”, ông Bình nói. 

W-cong-doan-chuyen-doi-so-3-1.jpg

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam khóa mới 2023-2028. Ảnh: Tuấn Minh

Tại Đại hội, sau phần báo cáo, tham luận, các đại biểu đã bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam khóa mới 2023-2028 và đưa ra các phương hướng cho hoạt động của Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam thời gian tới. 

Theo Vietnamnet