Bước phát triển của doanh nghiệp công nghệ số Việt trên hành trình chuyển đổi số

Những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến bước phát triển của nhiều doanh nghiệp công nghệ số. Thực tế hiện nay, để thực hiện chuyển đổi số các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều xoay quanh hành trình chinh phục và làm chủ công nghệ số.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy giai đoạn từ 2019 đến nay, doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động với hơn 1.400 doanh nghiệp, tăng 30%; doanh thu tăng 32% và đang hướng đến mục tiêu đạt 10 tỷ USD; tỷ trọng Make in Vietnam tăng từ 21 lên 29%; đặc biệt lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á năm 2023. Đóng góp vào thành công đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ số có tốc độ tăng trưởng cao như: Viettel Cyber Security, FPT Smart Cloud tăng 100%, ITSOL tăng 90%...

doanh-nghiep-cong-nghe-so

Ảnh minh họa (Nguồn: VNPT)

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã chủ động “làm mới” mình để thích ứng với thời đại 4.0, thời đại của chuyển đổi số: FPT nghiên cứu sản xuất thành công chip bán dẫn và bắt đầu nhận đơn đặt hàng. VNPT thành công với những dự án chuyển đổi số mang tầm cỡ quốc gia và làm chủ nhiều công nghệ cốt lõi, cung cấp bộ giải pháp oneBusiness, oneSME, nông nghiệp, Logistics, VNPT Money… đem lại hiệu quả cao.

Rạng Đông cũng đang là điển hình của mô hình doanh nghiệp công nghệ số khi chuyển từ kinh doanh truyền thống sang nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ mới, chất lượng cao, xây dựng 3 trung tâm nghiên cứu về công nghệ ánh sáng, công nghệ số và mô hình kinh doanh số… Đó là những “cánh chim đầu đàn” tiên phong với những ý tưởng sáng tạo, đổi mới công nghệ, thuộc Top 10 doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023.

Trong năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế với việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển trong đó có chiến lược công nghiệp công nghệ số. Hiện tại Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp công nghệ số tiếp tục phát triển trong nước và tạo đà vươn ra thế giới khẳng định thương hiệu.

Trên hành trình chuyển đổi số, để tồn tại và phát triển bền vững, việc lựa chọn chinh phục và làm chủ công nghệ mới có thể coi là điều kiện tiên quyết đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại trang web của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội.

 

Theo Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam