Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia sử dụng công nghệ của ABB
Trung tâm tại Hòa Lạc sử dụng công nghệ tòa nhà thông minh của ABB giúp quản lý năng lượng hiệu quả, giảm phát thải.
Theo ông Đoàn Văn Hiển - Chủ tịch Ban Công nghệ Điện ABB Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc) là một dự án có ý nghĩa với ABB. Dự án thể hiện nỗ lực của đơn vị trên hành trình thực hiện cam kết hướng tới phát thải ròng bằng không, cũng như cung cấp công nghệ điện thông minh, an toàn và bền vững cho các công trình tòa nhà quan trọng của Việt Nam.
"Các giải pháp tiên tiến và hiệu suất năng lượng cao của ABB đóng vai trò quan trọng, góp phần kiến tạo NIC Hòa Lạc trở thành tòa nhà thông minh, cắt giảm chi phí vận hành, đồng thời đảm bảo một môi trường an toàn, khỏe mạnh cho những người làm việc tại đây", ông Hiển nói.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế tiên tiến nhất tại Việt Nam. Ảnh: NIC Hòa Lạc
Cụ thể, giải pháp quản lý năng lượng ABB Ability Energy Manager giúp đội ngũ vận hành trung tâm NIC Hòa Lạc theo dõi và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí vận hành và đạt được mục tiêu bền vững. Giải pháp số thông minh này cung cấp dữ liệu thời gian thực và thông tin dự đoán khiến người vận hành đưa ra quyết định thông minh và lên kế hoạch bảo trì kịp thời.
Hơn nữa, giải pháp quản lý năng lượng dựa trên nền tảng số này còn kết nối với giải pháp tổng thể cung cấp điện bên trong của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Hòa Lạc. Trong đó, bao gồm tủ điện hạ thế tổng thông minh System pro E Power, đảm bảo độ tin cậy, an toàn nguồn điện cao nhất cho tòa nhà trung tâm và người sử dụng; cầu dao tự động, đồng hồ đo đa chức năng và thiết bị khởi động từ thông minh.
ABB là công ty đa quốc gia của Thụy Sĩ, có bề dày lịch sử về cung cấp các giải pháp công nghệ điện cho các tòa nhà thông minh. Công ty từng cung cấp các giải pháp công nghệ điện thông minh cho nhiều dự án như tòa nhà Quốc hội, trụ sở Bộ Ngoại giao, tháp truyền hình Quân đội, tòa nhà Landmark 72, Tháp Petro Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội...
ABB có thế mạnh về công nghệ điện và tự động hóa, hỗ trợ kiến tạo tương lai bền vững hơn và gìn giữ tài nguyên hiệu quả hơn. Các giải pháp của đơn vị là sự kết hợp giữa chuyên môn sâu rộng về kỹ thuật với phần mềm để hỗ trợ tối ưu hóa cách thức sản xuất, di chuyển, phân phối điện và vận hành. Được xây dựng dựa trên hơn 130 năm lịch sử, ABB có khoảng 105.000 nhân viên cam kết cùng nhau thúc đẩy đổi mới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi trong các ngành công nghiệp.
Ban Công nghệ điện ABB phát triển công nghệ phân phối và quản lý năng lượng từ nguồn tới ổ cắm nhằm hỗ trợ điện khí hóa thế giới theo cách an toàn, thông minh và bền vững. Hơn 50.000 nhân viên tại trên 100 quốc gia hợp tác với khách hàng cùng đối tác để chuyển đổi cách thức con người sinh sống, kết nối và làm việc. Đơn vị phát triển các sản phẩm, giải pháp và công nghệ kỹ thuật số, đổi mới giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và xây dựng một xã hội phát thải thấp trên tất cả lĩnh vực.
Các giải pháp hiện đại và hiệu suất năng lượng cao của ABB đóng vai trò quan trọng, góp phần kiến tạo NIC Hòa Lạc trở thành tòa nhà thông minh. Ảnh: NIC Hòa Lạc
Cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NIC Hòa Lạc có diện tích 4,96 hecta, là trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế tiên tiến nhất tại Việt Nam. Nơi đây bao gồm một trung tâm hội nghị quốc tế và không gian văn phòng thông minh cho các quỹ đầu tư, công ty công nghệ lớn, start-up, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo của NIC tập trung vào 8 lĩnh vực trọng tâm là nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, công nghiệp bán dẫn và hydrogen xanh. Việc cung cấp tòa nhà thông minh cho các ngành đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là một phần quan trọng của hành trình hướng đến các mục tiêu phát thải ròng bằng không của Việt Nam. Hệ thống tự động hóa tòa nhà và quản lý năng lượng hiệu quả có thể giúp tăng cường hiệu suất năng lượng tới 25-67%, cắt giảm chi phí vận hành và phát thải khí nhà kính, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường làm việc.